Bà con Khmer Sóc Trăng phấn khởi từ Chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào Dân tộc thiểu số (Lượt xem: 1836)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 12/08/2023

Giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi triển khai thực hiện 10 Dự án thành phần. Tỉnh Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào Khmer, được thụ hưởng 9 Dự án thành phần. Chỉ tính Dự án 1 và Dự án 3 đã có trên 226 tỷ đồng được triển khai đến đồng bào trong năm 2022, năm 2023 và đã mang đến niềm phấn khởi rất lớn cho bà con Khmer trong tỉnh. 

Bà con Khmer Sóc Trăng phấn khởi từ Chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào Dân tộc thiểu số
Bà Hứa Thị Ngã ở ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân được chương trình hỗ trợ bồn trữ nước sử dụng.

Đối với Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trong năm 2022 và 2023, tổng nguồn vốn thực hiện dự án trên 188,7 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ: Đất ở cho 338 hộ, nhà ở cho 1.899 hộ, đất sản xuất cho  293 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ và xây dựng 4 công trình nước tập trung.

Xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị có trên 38% hộ Khmer sinh sống. Rất nhiều hộ dân trên địa bàn còn sử dụng nước giếng khoan, nước hợp vệ sinh nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định. Từ nguồn vốn chương trình, Trạm cấp nước tập trung xã Lâm Tân là một trong 4 công trình nước tập trung của tỉnh được hỗ trợ xây dựng để cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh đạt chuẩn cho khoảng 900 hộ dân địa phương. Bà Tạ Thị Hồng My - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Tân, cho biết: “Đầu tư Trạm cấp nước tập trung đã giải quyết được nhu cầu bức xúc của người dân là nước sạch sinh hoạt chưa đạt chuẩn, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn trong xã lên khoảng 70%”.

Đối với những hộ Dân tộc thiểu số sống phân tán đang sử dụng nước giếng, nước kênh, rạch sinh hoạt hàng ngày, Dự án 1 của Chương trình còn hỗ trợ dụng cụ chứa nước. Mùa mưa năm nay, bà Hứa Thị Ngã ở ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân đã được chương trình hỗ trợ bồn 1.000 lít để tích trữ nước mưa sử dụng, bà không phải gánh từng thùng nước về sử dụng như trước đây. Còn vào mùa nắng bà nhờ hàng xóm bơm nước giếng khoan vào bồn để sử dụng được nhiều ngày. Bà Ngã tâm tình: “Được hỗ trợ bồn chứa nước tôi vô cùng phấn khởi và cảm ơn Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đồng bào Khmer”. 

“Tại huyện Thạnh Trị, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng Dân tộc thiểu số có 6 dự án và Tiểu dự án thành phần đầu tư. Các dự án quan tâm đến việc phát triển vùng, đầu tư mở rộng về kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất của người dân, góp phần nâng cao đời sống giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào Dân tộc thiểu số”, ông Liêu Trinh Huý (ảnh dưới) - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thạnh Trị, cho biết thêm.

 

Từ Dự án 1, nhiều hộ Dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Bà Thạch Thị Diện ở ấp Trà Quýt A, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành là một trong những hộ được hỗ trợ 10.000.000đ để đầu tư mua mới chiếc xe nước mía. Bà bộc bạch: “Vợ chồng đứa con sống cùng tôi, đi làm ngày nào kiếm sống ngày đó. Tôi lớn tuổi nên ở nhà trông cháu. Được dự án hỗ trợ xe nước mía, tôi ở nhà vừa bán nước mía vừa giữ cháu nên không phải đi làm mướn nữa. Thời gian rảnh rỗi, tôi còn bó chổi bán để có đồng ra, đồng vô trang trải cuộc sống gia đình”. 

Bà Thạch Thị Diện. 

Mục tiêu mà Dự án 1 đặt ra là hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo “3 cứng: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” cho hộ Dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát. Phấn đấu 90% hộ Dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề. Dự án này còn hướng đến 90% hộ Dân tộc thiểu số sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người Dân tộc thiểu số và địa bàn sinh sống.

Đối với Dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong năm 2022 và 2023 nguồn vốn phân bổ cho Dự án 3 gần 37,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này tỉnh đã thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.

Bà Trịnh Thị Kên (người thứ 5 từ phải sang).

Cũng từ Dự án 3, tháng 4 năm 2023, huyện Long Phú đã triển khai hỗ trợ mô hình bò sinh sản (mỗi hộ được hỗ trợ bình quân 2 con). Gia đình bà Trịnh Thị Kên (63 tuổi) ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú có đến 4 thành viên nhưng không có đất sản xuất, trang trải qua ngày nhờ tiền làm thuê. Được dự án hỗ trợ 2 con bò, bà Kên nói “sẽ cố gắng nuôi gây đàn, làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Gia đình vô cùng trân trọng và phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc”.

Hay như vợ chồng chị Lý Thị Nguyệt (ở ấp Khoan Tangcũng được dự án hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Với quyết tâm nhân đàn bò, thoát khỏi hộ nghèo, vợ chồng chị vay mượn thêm tiền để xây chuồng, thuê thêm đất trồng cỏ nuôi bò. “Được chương trình MTQG hỗ trợ cặp bò thì mình nuôi cho tốt, cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Gia đình cám ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cho gia đình tôi và bà con vùng dân tộc có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo”, chị Nguyệt phấn khởi nói.

Tại Long Phú, “Các xã lập hồ sơ, họp bình chọn đối tượng. Huyện tổ chức lập hội đồng để thẩm định hồ sơ. Trong năm 2022, huyện đã triển khai Dự án 3 cho xã Tân Hưng, xã Long Phú và thị trấn Long Phú; đã hỗ trợ cho 34 hộ nghèo 54 con bò, tương đương 755.000.000đ. Bà con Dân tộc thiểu số rất phấn khởi khi chương trình MTQG được triển khai trên địa bàn huyện, đây là động lực để đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới”, ông Thạch Hoàng Tha (ảnh dưới) - Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Phú cho biết.

 

So với giai đoạn trước, nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hỗ trợ cho hộ Dân tộc thiểu số là rất lớn và toàn diện hơn để hỗ trợ bà con có nhà ở, tư liệu và mô hình sản xuất. Điiều này càng khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang góp phần quan trọng để chăm lo cho trên 18.000 hộ Khmer nghèo và cận nghèo của tỉnh Sóc Trăng chí thú làm ăn thoát nghèo bền vững./.

 Kim Sang - Lâm Huy 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online